PHÂN BIỆT ĐAU DO MỌC RĂNG KHÔN HAY QUAI BỊ

PHÂN BIỆT ĐAU DO MỌC RĂNG KHÔN HAY QUAI BỊ
Ngày đăng: 04/05/2024 09:49 AM

    Tìm hiểu về mọc răng khôn 


    Răng khôn là răng số 8 – thường mọc ở trong xương hàm mỗi người. Có người bị mọc răng khôn sớm, có người bị mọc muộn và cũng có trường hợp răng khôn không mọc lý do không đủ chỗ mọc sau răng số 7. Thường thì răng khôn sẽ mọc đủ 4 cái: 2 ở hàm trên và 2 ở hàm dưới. Nếu bình thường thì sẽ không có hiện tượng gì nhưng có những người răng khôn mọc lệch gây ảnh hưởng đến những chiếc răng bên cạnh.
    Chính vì thế, việc răng khôn mọc mỗi người mỗi khác, thời gian mọc răng khôn từ lúc nhú lên đến lúc mọc hoàn chỉnh cũng không hề giống nhau – có thể kéo dài từ vài tuần, vài tháng thậm chí vài năm mới hoàn thành.

    Vì sao mọc răng khôn bị đau?



                                                                                                        Răng khôn mọc ngầm

    Cũng bởi vị trí mọc răng khá đặc biệt, ở trong góc trong cùng xương hàm nên nguy cơ gây đau nhức và bệnh lý cũng thuộc diện cao nhất.

    Cụ thể, khi răng khôn mọc, phần lợi bao quanh răng sẽ bị tấy đỏ và sưng lên hay còn gọi là hiện tượng lợi trùm răng, lúc này bạn sẽ cảm thấy rất đau khi đánh răng nhai hay nuốt thức ăn.

    Thông thường sốt mọc răng khôn là do răng khôn mọc phía trước có cả hàm răng chắn lối, phía sau có ngành xương, dẫn đến tình trạng mọc lệch, mọc ngầm…

    Nói một cách dễ hiểu thì, răng khôn mọc khiến phần nướu lợi bao quanh răng bị viêm, sưng lên và bạn sẽ cảm thấy đau nhức, phần sưng sẽ hơi nóng khi chạm tay vào, hơi sốt nhẹ.

    Nếu vết viêm lan rộng, bị áp xe lợi thì bạn có thể bị sưng to một bên mặt nên có người thường nhầm giữa mọc răng khôn và quai bị. Chỗ sưng cũng bị căng đỏ ở góc hàm khiến bạn không ăn uống được và ăn uống trở nên khó khăn.

    Nếu bạn sưng và đau ở vị trí răng khác thì bệnh nhân có thể há được miệng cho bác sĩ khám nhưng với răng khôn do mọc ở góc cạnh xương hàm nên việc há miệng sẽ trở nên rất khó khăn.

    Đây được cho là một trong những điểm đau khác biệt lớn nhất giữa mọc răng khôn và quai bị do có các biểu hiện quai bị tương tự. Ngoài ra,nếu nhận thấy bạn bị áp xe lợi thì cũng có nghĩa phần lợi viêm đã có mủ.

    Độ tuổi dễ mọc răng khôn và quai bị

    Răng khôn là răng mọc lên trong độ tuổi 18 – 25, tức ở người trưởng thành. Lúc này xương hàm cũng đã phát triển đầy đủ nên răng khôn thường mọc lệch, mọc kẹt. Bệnh nhân thường đến khám nha sĩ vì lý do sưng đau góc hàm, dắt thức ăn và há miệng hạn chế nên ăn uống khó….

    Quai bị lại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính khá phổ biến ở trẻ em, bệnh tấn công tuyến nước bọt do nhiễm virus Paramyxovirus, tuyến này nằm ở gần tai nên người bệnh bị sưng lên và đau vùng má, dễ nhầm với đau răng khôn. Đáng lo ngại là quai bị lây qua đường hô hấp và dễ tạo thành dịch ở trẻ em, do đó bệnh nhân cần phải được cách ly để tránh lây nhiễm cho những người xung quanh.  

    Như vậy nếu như đối tượng là trẻ em thì chúng ta hướng đến bệnh quai bị, còn nếu người trưởng thành thì thường là do răng khôn mọc gây biến chứng, tuy nhiên dù là trẻ hay người lớn thì chúng ta cũng cần đến khám bác sĩ sớm trước khi trở nặng.

    Các triệu chứng và diễn tiến của bệnh 

    Quai bị hay răng khôn thường hay gây đau, đó là triệu chứng rất thường xảy ra. Tuy nhiên cơn đau của mỗi trường hợp hoàn toàn khác nhau:

    Đặc trưng của bệnh quai bị đó là sưng tuyến nước bọt mang tai ở cả 1 hoặc 2 bên. Bệnh nhân bị sốt cao, ngay từ ngày đầu tiên đã có triệu chứng đau vùng góc hàm. Các triệu chứng sau vài ngày sẽ lan sang bên còn lại. Vùng mang tai bị sưng đau nhưng không đỏ tấy, không bị hóa mủ. Sau khoảng 1 tuần, tuyến mang tai giảm đau và sẽ nhỏ dần, các triệu chứng như khó nuốt, đau họng sẽ giảm dần và từ từ khỏi hẳn.

    Còn răng khôn khi mọc sẽ tạo nên những cơn đau nhẹ, ít sưng, diễn tiến của bệnh như sau: 

    Khi bắt đầu mọc lên, răng khôn sẽ tách phần nướu, làm nứt lợi khiến người bệnh khó chịu, cơn đau này có thể lặp đi lặp lại nhiều lần. Trường hợp răng mọc ngầm, mọc lệch, các cơn đau nhức sẽ nặng nề hơn, kèm theo đó là các cơn sốt, nhức đầu và cứng hàm.

    Do vi khuẩn: Phần nướu tách ra khi răng nhú lên khiến thức ăn dễ bị giắt, nếu răng khôn mọc lệch thường có thức ăn lọt vào khe giữa răng số 7 và răng số 8, tạo môi trường nhiều vi khuẩn dẫn đến viêm lợi ở vùng này gây sưng nhẹ, dễ chảy máu, để viêm lâu ngày sẽ có mủ gây mùi hôi trong miệng khó chịu. Những trường hợp như thế đều phải được nhổ bỏ.

    Quai bị là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra nên đau thường sẽ lan từ 1 bên sang 2 bên, vùng đau không có mủ và dễ lây. Ngược lại ở người bị đau răng khôn, cơn đau đến từ quá trình phát triển của chiếc răng, cũng có thể do nguyên nhân vi khuẩn, chúng sẽ tạo mủ nếu để viêm lâu ngày và đau thành nhiều đợt, chỉ khu trú 1 bên mặt nơi có răng khôn mọc lên. 

    Hầu hết mọi người chỉ mắc quai bị 1 lần trong đời. Đây là bệnh ít có khả năng tái phát. Còn đau răng khôn sẽ bị lặp lại. Chính vì vậy, người bệnh thường nhầm tưởng rằng mình bị tái phát quai bị nhiều lần.

    Biến chứng và cách điều trị

    Với quai bị, nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể gây viêm tuyến sinh dục nhất là đối với trẻ nam nguy cơ mắc viêm tinh hoàn, viêm màng não, viêm tụy và một số biến chứng khác. Đa số trẻ nhỏ, trẻ vị thành niên tại Việt Nam đều đã từng mắc căn bệnh này. Giai đoạn Đông – Xuân chính là thời điểm dễ xảy ra dịch quai bị.

    Đối với mẹ bầu, mắc bệnh quai bị có thể là mối nguy hiểm, đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ, nguy cơ sảy thai khá cao.

    Với răng khôn, biến chứng thường gặp nhất của răng khôn đó là nhiễm khuẩn tại chỗ, há miệng khó, sâu hỏng răng bên cạnh hoặc tạo u nang xương hàm và nhiều biến chứng toàn thân khác.

    Mọc răng khôn và quai bị có những biểu hiện khá giống nhau. Tuy nhiên, đây lại là hai tình trạng bệnh hoàn toàn khác nhau. Những biến chứng do răng khôn mọc lệch hay quai bị gây ra đều có hại cho sức khỏe. Do nằm sâu trong góc hàm nên nhìn bằng mắt thường bạn sẽ khó xác định được mình đang mọc răng khôn hay mắc các bệnh lý răng miệng như quai bị. Việc thăm khám, chẩn đoán từ bác sĩ chuyên khoa là rất quan trọng. 

    Nếu trường hợp răng khôn của bạn đang mọc, bác sĩ sẽ cho chụp phim X – quang và được chỉ định nhổ sớm để tránh đau nhức cũng như gây ảnh hưởng tới các răng khác.

    Nếu xác định không phải do răng khôn thì có thể nghi ngờ bạn bị quai bị, bác sĩ sẽ chỉ định bạn đi làm các xét nghiệm chẩn đoán xác định và hướng dẫn bạn chế độ chăm sóc cũng như cách ly, đảm bảo an toàn cho bạn và những người xung quanh, tránh để lây lan thành dịch và ảnh hưởng tới cộng đồng. Quai bị cực kỳ dễ lây nhiễm, người bệnh nên cách ly tối thiểu 2 tuần, nghỉ ngơi, nằm yên, hạn chế đi lại, đặc biệt là giai đoạn sốt và sưng là giai đoạn dễ bùng phát dịch. Là bệnh do virus nên vẫn chưa có thuốc đặc hiệu.

    Nha khoa Tulip
    Tra cứu thông tin khách hàng