QUÁ TRÌNH MỌC RĂNG CỦA TRẺ

QUÁ TRÌNH MỌC RĂNG CỦA TRẺ
Ngày đăng: 03/05/2024 02:12 AM

    1. Dấu hiệu trẻ mọc răng

    Ở trẻ nhỏ, khi những chiếc răng sữa đầu tiên bắt đầu mọc sẽ xảy ra một vài dấu hiệu nhận biết sau:

    1.1. Chảy nhiều nước dãi

    Có thể nói, quá trình tiết nước bọt chính là hệ quả trong cơ chế hoạt động của thần kinh trung ương. Vào thời điểm mà trẻ mọc chiếc răng đầu tiên, dây thần kinh thứ 5 sẽ được kích thích, điều này khiến trẻ chảy nước dãi nhiều hơn.

    Song vì tuổi nhỏ cùng với chức năng nuốt nước bọt chưa hoàn thiện mà nước dãi của trẻ sẽ thường xuyên chảy ra ngoài ở vị trí hai bên khóe miệng.

    Tuy nhiên, đến khi mọc những chiếc răng về sau, tình trạng này sẽ giảm đáng kể và dứt hẳn khi mọc răng vĩnh viễn.

    1.2. Xung quanh cằm và miệng nổi mẩn đỏ

    Chính vì chảy nước dãi thường xuyên nên vùng da dưới cằm của trẻ hơi ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công và gây ra hiện tượng nổi mẩn đỏ. Chỉ cần quan sát kỹ là bố mẹ nhanh chóng phát hiện ra điều này.

    1.3. Hay nhai cắn

    Khi mầm răng bắt đầu nhú lên khỏi nướu sẽ gây ra hiện tượng ngứa ngáy. Lúc này trẻ sẽ cho mọi thứ vào miệng cắn để giảm cảm giác khó chịu. Thế nên vào giai đoạn này, bố mẹ nên chuẩn bị đồ gặm nướu cho con để đảm bảo vệ sinh và an toàn sức khỏe.

    1.4. Sốt nhẹ

    Có rất nhiều trẻ em khi mọc răng xảy ra hiện tượng nóng sốt. Điều này xuất phát từ hệ miễn dịch của trẻ bị thay đổi. Do đó, bố mẹ nên thường xuyên quan sát và theo dõi thân nhiệt của trẻ.

    Trường hợp sốt nhẹ có thể giảm nhiệt độ tại nhà bằng cách chườm ấm, thay quần áo thoáng mát và cho trẻ bú nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu sốt cao thì cần đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để bác sĩ có biện pháp xử lý kịp thời.

    1.5. Bú kém

    Mầm răng nhú ra khỏi nướu sẽ gây hiện tượng đau nhức làm trẻ khó chịu, vì vậy mà trở nên bú kém, nhiều bé còn bỏ bú.

    Ngoài ra, khi mọc răng, trẻ còn có những biểu hiện khác như quấy khóc, ngủ không ngon giấc, thường xuyên bị giật mình,…

     

    2. Thứ tự mọc răng sữa của trẻ

    Răng sữa có vai trò rất quan trọng nên cần phải được quan tâm chăm sóc thật tốt. Việc cha mẹ nắm rõ các giai đoạn mọc răng của trẻ sẽ có những biện pháp chăm sóc con phù hợp và tốt nhất.

    2.1. Giai đoạn hình thành mầm răng

    Mầm răng sữa bắt đầu hình thành từ tuần thứ 5 của thai kỳ. Tiếp đến vào tuần thứ 13 và 16 (tức khoảng tháng thứ 5 của thai kỳ) mầm răng sẽ bắt đầu ngấm vôi. Và vào đến tuần thứ 18 – 20 thì quá trình ngấm vôi sẽ kết thúc, cả 20 mầm răng sữa đều đã được ngấm vôi đầy đủ.

    2.2. Giai đoạn mọc răng sữa

    thứ tự mọc răng của trẻ con
    Giai đoạn mọc răng sữa của bé

    Từ tháng thứ 8 – 12 (mọc 4 răng cửa giữa): Là thời điểm mà chiếc răng đầu tiên của trẻ xuất hiện, vị trí phổ biến nhất là răng cửa hàm dưới. Sau khi hai răng cửa hàm dưới mọc đầy đủ thì hai răng cửa hàm trên sẽ mọc.

    Từ tháng thứ 9 – 13 (mọc 2 răng cửa bên): Vào thời điểm này, 2 răng cửa bên hàm trên sẽ bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, hai răng cửa bên hàm dưới thì phải đến tháng tuổi thứ 16 mới mọc đầy đủ.

    Từ tháng thứ 13 – 19 (mọc 4 răng hàm sữa còn gọi là răng cối sữa thứ nhất): Khi răng cửa của bé đã mọc gần như đầy đủ thì răng hàm sẽ bắt đầu mọc. Ban đầu là 2 răng hàm của hàm trên, sau đó mới đến 2 răng hàm của hàm dưới.

    Từ tháng thứ 16 – 22 (mọc 4 răng nanh sữa): Thông thường, răng nanh sữa hàm trên sẽ mọc trước sau đó mới đến răng nanh sữa hàm dưới. Vị trí mọc của những chiếc răng này là khoảng trống giữa răng hàm và răng cửa giữa.

    Từ tháng thứ 25 – 33 ( mọc 4 răng hàm sữa cuối cùng còn gọi là răng cối sữa thứ 2): 2 chiếc răng hàm sữa dưới nằm bên trong cùng và 2 chiếc răng hàm sữa trên trong cùng sẽ lần lượt mọc. Như vậy 20 chiếc răng sữa của trẻ đã được hoàn thiện khi bước vào tháng tuổi thứ 30.

    2.3. Giai đoạn thay răng sữa

    Thời điểm thay răng sữa bằng răng vĩnh viễn ở trẻ sẽ bắt đầu ở tuổi lên 6. Thông thường, bé trai sẽ thay răng trễ hơn bé gái. Tuy nhiên, thời điểm rụng chiếc răng sữa cuối cùng là tương đương nhau, khoảng từ 12 – 13 tuổi.

    Thứ tự rụng răng sữa giống như thứ tự mọc. Nhóm răng nào mọc lên sớm nhất thì sẽ rụng trước tiên, như vậy lần lượt sẽ là 2 chiếc răng cửa hàm dưới, 2 chiếc răng cửa hàm trên, răng cối sữa thứ nhất, răng nanh và cuối cùng là răng cối sữa thứ 2.

    3. Thứ tự mọc răng vĩnh viễn

    Thứ tự mọc răng vĩnh viễn có phần giống với thứ tự mọc răng sữa ở trẻ nhỏ. Vì theo quy luật thông thường của răng sữa thì chiếc nào mọc trước thì chiếc đó sẽ rụng trước. Chiếu theo đó, thứ tự mọc răng vĩnh viễn sẽ diễn ra như sau:

    Những chiếc răng cửa giữa sẽ được mọc lên đầu tiên, tiếp theo là răng cửa bên, nhóm răng hàm cối thứ nhất, nhóm răng nanh và cuối cùng là nhóm răng hàm cối thứ 2.

    Tuy nhiên, so với răng hàm dưới thường mọc theo đúng thứ tự trên thì răng hàm trên lại có chút thay đổi. Cụ thể là vị trí mọc của răng nanh và răng hàm cối thứ nhất sẽ thay đổi cho nhau.

    Thời gian mọc răng vĩnh viễn

    thứ tự mọc răng sữa của trẻ
    Thời gian thay răng sữa bằng răng vĩnh viễn

    Giai đoạn từ 6 – 7 tuổi: mọc lần lượt 4 răng cửa giữa vĩnh viễn thay thế cho răng cửa giữa sữa.

    Giai đoạn từ 7 – 8 tuổi: các răng cửa sữa bên rụng và mọc lên các răng cửa bên vĩnh viễn.

    Giai đoạn 9 – 11 tuổi: các răng hàm cối thứ nhất mọc.

    Giai đoạn 10 – 12 tuổi: răng nanh vĩnh viễn mọc thay cho răng nanh sữa.

    Giai đoạn 10 – 12 tuổi: các răng hàm cỗi vĩnh viễn thứ 2 mọc.

    Tuy nhiên, độ tuổi mọc răng vĩnh viễn thay cho răng sữa này sẽ có sự thay đổi tùy vào thể trạng của từng bé.

    Chỉ trường hợp nào bé đã đủ 10 tuổi nhưng vị trí răng cửa sữa vẫn chưa được thay đầy đủ bằng các răng vĩnh viễn thì bố mẹ nên đưa con đến nha khoa uy tín hoặc chuyên khoa răng – hàm – mặt để chụp phim, thăm khám.

    Bác sĩ sẽ xem xét trong xương hàm của bé có xuất hiện mầm răng hay không, từ đó sẽ có giải pháp kịp thời và hợp lý.

    Ngoài ra, thời gian thay răng dài hay ngắn còn phụ thuộc vào vị trí của chiếc răng. Thông thường, răng cửa và răng nanh sẽ chỉ mất vài tuần vì những chiếc răng này chỉ có 1 chân. Còn với răng hàm cối thì đòi hỏi thời gian sẽ lâu hơn, từ 1 – 3 tháng vì chúng khá nhiều chân.

    4. Các vấn đề về răng vĩnh viễn trẻ thường gặp phải

    4.1. Răng vĩnh viễn mọc chậm

    Đây là tình trạng tương đối phổ biến ở trẻ trong giai đoạn thay răng. Biểu hiện điển hình nhất là ngay tại vị trí chiếc răng sữa đã rụng được 6 tháng, thậm chí là 1 năm nhưng chiếc răng vĩnh viễn vẫn chưa có dấu hiệu mọc.

    Nguyên nhân gây ra hiện tượng này có thể là do răng vĩnh viễn mọc ngầm, thiếu mầm răng vĩnh viễn bẩm sinh hoặc thói quen đẩy lưỡi của trẻ làm răng mọc chậm hơn.

    thứ tự mọc răng của bé
    Trẻ mọc răng vĩnh viễn chậm

    Mặc dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì hệ quả của chúng đều khiến quá trình phát triển của răng vĩnh viễn bị ảnh hưởng. Do đó, phụ huynh nên đưa con đến nha khoa sớm để được điều trị.

    4.2. Sâu răng

    Có thể nói, không một đứa trẻ nào mà không bị sâu răng. Đây là hiện tượng mà men răng và ngà răng bị phá hủy bởi các vi khuẩn gây hại, tạo thành những lỗ sâu.

    Ban đầu, chỉ là những lỗ li ti rất khó phát hiện bằng mắt thường, lâu dần lỗ sâu này bắt đầu làn rộng, ăn sâu vào tủy gây đau nhức, làm chất lượng cuộc sống suy giảm.

    Vì thế, khi gặp tình trạng này, bố mẹ nên đưa con đến nha khoa để được điều trị sớm, tránh làm mất răng và những biến chứng có thể xảy ra về sau.

    4.3. Viêm nướu

    Là tình trạng mà vùng nướu quanh chân răng của trẻ có dấu hiệu sưng đỏ, đau nhức, dễ chảy máu và nhiều trường hợp còn tụ mủ.

    Nguyên nhân gây ra viêm nướu có thể xuất phát từ bệnh sâu răng không được điều trị sớm hoặc quá trình vệ sinh răng miệng hằng ngày của trẻ chưa đúng cách, chải răng quá mạnh tay làm tổn thương đến nướu.

    thứ tự mọc răng của trẻ
    Viêm nướu gây đau nhức, thậm chí là chảy máu chân răng

    Viêm nướu nếu không điều trị sẽ rất dễ gây tiêu xương, dây chằng làm nhiệm vụ cố định răng với nướu cũng bị tiêu biến, từ đó dẫn đến tình trạng mất răng sớm.

    5. Cách chăm sóc khi trẻ mọc răng

    Quá trình mọc răng sữa ở trẻ em thường sẽ gặp khá nhiều vấn đề, do đó việc bố mẹ thường xuyên cập nhật những kiến thức về sức khỏe răng miệng sẽ giúp xử lý những tình huống có thể xảy ra một cách chính xác và khoa học nhất.

    Giai đoạn lúc trẻ bắt đầu mọc răng, việc chảy nước dãi là điều không thể tránh khỏi. Do đó, lúc này bố mẹ nên chuẩn bị một chiếc khăn lau mặt bằng bông mềm mại để loại bỏ nước dãi, đảm bảo vệ sinh và tránh được tình trạng nổi mẩn đỏ gây ngứa ngáy, khó chịu ở trẻ.

    Khi những chiếc răng đầu tiên nhú lên, mẹ nên dùng băng gạc, thấm nước để vệ sinh lưỡi, lợi và khu vực quanh chiếc răng đang mọc.

    thứ tự mọc răng sữa của bé
    Vệ sinh răng nướu cho bé

    Chia nhỏ khẩu phần ăn của trẻ. Nếu lúc trước một ngày bé ăn từ 3 – 4 lần thì khi mọc răng nên chia thành 6 – 8 lần. Thức ăn cho con nên hầm cho thật nhuyễn mịn để hạn chế đau nhức.

    Và khi răng đã mọc gần như đầy đủ, bố mẹ nên hướng dẫn con chải răng để hình thành thói quen vệ sinh răng miệng tốt. Lưu ý, không nên quá ép buộc chúng, điều này có thể sinh ra phản kháng ở trẻ.

    Thay vào đó, mẹ có thể tạo hứng khởi cho con bằng cách chọn mua những bàn chải có hình dáng và màu sắc rực rỡ, kích thích thị giác của bé và kem đánh răng của mùi thơm nhưng nồng độ Fluor phải phù hợp.

    thứ tự mọc răng của trẻ sơ sinh
    Hướng dẫn con vệ sinh răng đúng cách, khoa học

    Vào buổi tối khi ngủ, nếu cho con uống sữa thì nên súc miệng lại với nước lọc để không làm tổn hại đến men răng.

    Hạn chế dùng thực phẩm và nước uống nhiều đường, axit như bánh ngọt, kẹo, socola, kem,…

     

    Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc răng, bạn cũng nên chú ý đến thực đơn dinh dưỡng hằng ngày. Thường xuyên đưa con đến nha khoa để kiểm tra tình trạng răng miệng.

    Những thông tin về quá trình mọc răng của trẻ sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong quá trình chăm sóc con trẻ, xử lý kịp thời những tình huống có thể xảy ra, giúp trẻ lớn lên có được hàm răng chắc khỏe.

    Nếu còn thắc mắc nào khác cần được giải đáp, xin hãy liên hệ trực tiếp với Nha khoa Tulip để được tư vấn một cách nhanh nhất.

    NHA KHOA TULIP
    Hotline : 098 929 8292 - 0931 776 766
    Địa chỉ : 9/7 Phạm Văn Hai, Phường 1, Q.Tân Bình, Tp.Hồ Chí Minh.
     

    Nha khoa Tulip
    Tra cứu thông tin khách hàng