NHỮNG LƯU Ý KHI NHỔ RĂNG SỮA CHO BÉ

NHỮNG LƯU Ý KHI NHỔ RĂNG SỮA CHO BÉ
Ngày đăng: 01/05/2024 06:42 PM

    1. Răng sữa là gì?

       Răng sữa là những chiếc răng mọc trong thời kỳ trẻ bú mẹ, là bộ răng tồn tại ở giai đoạn quan trọng nhất của sự tăng trưởng và phát triển ở trẻ em. Răng sữa được hình thành từ tuần thứ 7 đến tuần thứ 10 của bào thai, được lắng đọng chất men và ngà từ tháng 4 đến tháng thứ 6 sau khi sinh.

       Răng sữa chính thức mọc trong khoang miệng ở khoảng tháng thứ 6 của bé và cho đến khi trẻ được 2-3 tuổi, trẻ đã có đủ bộ răng sữa với 20 răng và bao gồm 10 răng hàm trên, 10 răng hàm dưới.

       Sau khi tồn tại đến một giai đoạn nhất định, chân răng sữa sẽ tiêu dần đi và bộ răng vĩnh viễn sẽ mọc dần lên và thay thế vào vị trí này. Trẻ em ở giai đoạn từ 06 – 11 tuổi sẽ hiện diện cả răng sữa và răng vĩnh viễn trên cung hàm gọi là răng hỗn hợp.

    2. Các mốc thời gian thay răng sữa 

      Theo y học, độ tuổi thay răng được chia vào các nhóm như sau:

    • Răng cửa giữa: Sẽ thay trong khoảng từ 5 – 7 tuổi.
    • Răng cửa bên: Thay trong khoảng 7 – 8 tuổi.
    • Răng nanh sữa: Răng sẽ thay trong khoảng từ 10 – 11 tuổi.
    • Răng hàm sữa thứ nhất: Từ 9 – 10 tuổi.
    • Răng hàm sữa thứ hai: Thông thường răng sẽ thay trong khoảng 11 – 12 tuổi.

      Trong đó, thời điểm thay răng sữa thường là lúc 5-6 tuổi. Răng sữa đầu tiên rụng thường là răng cửa giữa, tiếp ngay sau đó thường là sự nhú lên của răng vĩnh viễn, tương ứng ở vị trí răng sữa vừa rụng đi. Răng sữa cuối cùng thường là răng sữa số 5 rụng lúc khoảng 12 tuổi.

    Nhổ răng sữa trẻ em - Nha khoa Đà Nẵng Implant

    3. Lưu ý trước khi nhổ răng sữa

    Cơ thể của bé luôn trong trạng thái phát triển vì thế rất nhạy cảm. Dưới đây là những lưu ý mẹ có thể tham khảo khi nhổ răng sữa cho bé:

    Mẹ nên tìm hiểu kỹ các vấn đề răng miệng của trẻ để dễ nhận biết những bất thường về răng miệng.

    Trước tiên, mẹ nên tìm hiểu và lựa chọn phòng khám nha khoa đảm bảo uy tín và độ an toàn.

    Không nên nhổ răng quá sớm để tránh ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai của bé và sự phát triển của răng vĩnh viễn sau này. Đặc biệt, nếu nhổ răng cửa hoặc răng nanh quá sớm có nguy cơ hàm trước không đều đặn và dễ bị thụt lùi ra phía sau.

    Đối với những trường hợp bắt buộc nhổ, mẹ nên cho bé đến gặp nha sĩ càng sớm càng tốt để tránh gây ảnh hưởng đến các răng xung quanh. Nếu như nhổ quá sớm, các nha sĩ sẽ có những biện pháp khắc phục thích hợp giúp giữ chỗ cho răng vĩnh viễn tương ứng.

    Một nhắc nhở quan trọng, mẹ không nên lấy chỉ để tự nhổ răng sữa cho bé ở nhà để tránh gây nhiễm trùng và rách nướu.

    Trước khi đến phòng khám, mẹ nên chuẩn bị trước những thông tin bác sĩ có thể hỏi như: Tiền sử, dị ứng thuốc, thói quen chăm sóc răng miệng, quá trình và tiến triển của bệnh,...

    Nếu bé có tình trạng viêm quanh chóp hoặc viêm tế bào quanh chân và thân răng, thì cần điều trị giảm sưng viêm trước khi tiến hành nhổ.

    Không nên để bé chờ quá lâu hoặc nhìn thấy những bé khác nhổ răng. Nó có thể ảnh hưởng đến tâm lý của bé.

    Phụ huynh nên giải thích và “dỗ ngọt” bé trước khi nhổ răng. Để tránh gây sự bất ngờ, hoảng sợ cho bé, tạo tâm lý thoải mái giúp bé dễ hợp tác hơn với nha sĩ.

    4. Lưu ý sau khi nhổ răng sữa

    Tuy răng sữa rất dễ nhổ nhưng đối với cơ thể nhạy cảm của bé những lưu ý sau có thể giúp bé giảm bớt đau đớn và khó chịu:

    Cho bé cắn chặt bông gạc vào vùng răng vừa nhổ để giúp bé cầm máu, giữ như thế trong 30 phút đầu. Không được súc miệng, khạc nhổ hay sử dụng vòi hút, những hành động này có thể gây vỡ cục máu đông.

    Nhổ răng sữa cho bé có thể xuất hiện cảm giác đau và khó chịu. Việc cần làm lúc này là mẹ nên cho bé sử dụng thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ. Mẹ không nên tự tiện mua thuốc hay sử dụng thuốc ở ngoài khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.

    Cho bé uống nhiều nước, bổ sung rau xanh và hoa quả bằng nước ép.

    Cho bé ăn đồ lỏng, không nên ăn đồ quá nóng, cứng hay đặc. Chúng có thể làm vỡ cục máu đông và gây chảy máu trở lại.

    Những ngày sau khi nhổ răng có thể xuất hiện dịch hồng, tuy nhiên nếu xuất hiện dịch màu đỏ tươi với tần suất thường xuyên và kéo dài hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn giải quyết.

    Ngày đầu sau khi nhổ, mẹ có thể cho bé uống sữa lạnh, ăn kem hoặc chườm lạnh cho bé, việc này có tác dụng hỗ trợ giảm sưng đau cho bé. Ngày tiếp theo đó, mẹ nên chườm ấm bằng khăn sạch hoặc túi giữ nhiệt để giúp lưu thông mạch máu,...

    Sốt là phản ứng bình thường sau khi nhổ răng vì thế mẹ đừng quá lo lắng. Bé có thể sốt đến 38-39 độ C. Tuy nhiên, nếu bé sốt trên 38,5 độ mẹ cần cho bé uống thuốc giảm sốt theo chỉ định của bác sĩ. Và lưu ý, nên đo nhiệt độ cho bé thường xuyên vì thuốc giảm sốt chỉ có tác dụng trong 4-6 tiếng. Hoặc nếu không có tiến triển tốt hơn hoặc sốt kéo dài, hãy liên hệ ngay cho bác sĩ.

    Việc vệ sinh răng miệng cho bé ở những ngày sau nhổ răng rất quan trọng. Mẹ không nên cho bé sử dụng bàn chải đánh răng hay các vật cứng, nhọn để vệ sinh răng miệng. Nên cho bé súc miệng nhẹ bằng nước muối sinh lý. Nhiều người thường bỏ qua bước vệ sinh răng miệng vì sợ chảy máu trở lại, tuy nhiên như thế có khả năng gây nhiễm trùng rất cao.

    Các bé thường hiếu động vì thế hãy chú ý để tránh việc bé cho tay hoặc các vật dụng khác đụng vào vùng mới nhổ.

    Mẹ hãy chú ý đến chế độ dinh dưỡng cho bé để giúp bé hồi phục tối đa.

    Chế độ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh - Bio-acimin

    Hy vọng với những thông tin mà chúng tôi chia sẻ trên sẽ giúp các bạn giải đáp được thắc "Khi nhổ răng sữa cho bé cần lưu ý những gì". Nếu còn vấn đề gì thắc mắc thì đừng ngại, hãy liên hệ với chúng tôi hoặc đến trực tiếp địa chỉ phòng khám Nha Khoa Tulip để Bác sĩ được thăm khám và tư vấn miễn phí nhé.

    NHA KHOA TULIP

    • Hotline : 098 929 8292 - 0931 776 766

    • Địa chỉ : 9/7 Phạm Văn Hai, Phường 1, Q.Tân Bình, Tp.Hồ Chí Minh 

    Nha khoa Tulip
    Tra cứu thông tin khách hàng